Vào một buổi tối mưa gió, bạn lặn lội đến phòng trưng bày nghệ thuật để được chiêm ngưỡng bức tranh sơn dầu của hoạ sĩ mà bạn yêu quý. Nhưng yếu tố thời tiết khiến triển lãm bị hoãn và bạn buộc phải quay lại vào ngày hôm sau.
Rồi một ngày nọ, bạn tham dự một triễn lãm tranh Digital Painting. Những bức tranh được in ra trơn nhẵn, thậm chí bạn còn có thể chiêm ngưỡng tranh trên các thiết bị kĩ thuật số và sở hữu một cách dễ dàng bằng việc tải xuống. Và điều đó khiến bạn thốt lên: “Không! Đây không phải là nghệ thuật!”
Đây dĩ nhiên không phải là câu cảm thán của riêng bạn. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã mở ra một kỉ nguyên mới cho hoạ sĩ. Vẽ digital giúp tiết kiệm thời gian vẽ, giảm chi phí hoạ cụ và giảm rủi ro bảo quản, song việc công nhận tính nghệ thuật của Digital Painting vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Tại sao nhiều người không công nhận Digital Painting là nghệ thuật?
Với tranh nghệ thuật truyền thống, bạn không chỉ chiêm ngưỡng tranh bằng thị giác mà còn bằng khứu giác và xúc giác. Bạn có thể chạm vào tranh để cảm nhận sự thô ráp của màu và giấy, bạn thậm chí có thể ngửi thấy mùi mực, mùi thời. Nhưng với tranh digital, bạn hoàn toàn không có được những trải nghiệm đó.
Tranh truyền thống khó hoặc không thể sao chép y hệt từng nét cọ, và việc sao chép tốn rất nhiều thời gian. Song với digital painting, bạn có thể sao lưu, in cả nghìn bản chỉ bằng một cú click chuột.
“Nghệ thuật không thể dễ dàng đạt được như thế!”.
Những quan điểm trên đã làm hạ giá trị của tranh digital painting và biến nó thành một sản phẩm phi nghệ thuật. Nhưng sự thực có phải là như thế?
Nghệ thuật thực sự đến từ đâu?
Có một sự thật rằng, cho dù vẽ tranh truyền thống hay vẽ digital thì hoạ sĩ vẫn phải trải qua quá trình rèn luyện và sáng tác. Máy tính chỉ cung cấp công cụ để vẽ chứ không hề vẽ giúp bạn.
Dĩ nhiên, với sự hỗ trợ của các thiết bị kĩ thuật số, hoạ sĩ digital dễ dàng chỉnh sửa hơn với lệnh “hoàn tác”. Nhưng cho dù có thể hoàn tác và trăm lần, chồng nhiều lớp màu, điều chỉnh sắc độ,… mà không có kĩ năng, bạn không thể nào tạo được sản phẩm hoàn hảo.
Điều này tương tự như việc một nhà văn sáng tác trên máy tính. Máy tính chỉ giúp nhà văn đánh chữ nhanh hơn và chỉnh sửa dễ dàng hơn chứ không sáng tác thay nhà văn. Tính nghệ thuật của tác phẩm văn học đến từ khả năng kể chuyện của nhà văn. Và giống như vậy, tính nghệ thuật của tác phẩm digital hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người nghệ sĩ.
Cả tranh vẽ truyền thống và tranh digital painting đều có ưu – nhược điểm riêng. Nhưng đặc trưng loại hình không có giá trị quyết định tính nghệ thuật.
Tranh truyền thống giúp người xem thưởng lãm được bằng cả khứu giác và xúc giác, còn tranh digital thì không.
Tranh digital có thể sao lưu nhiều bản, tránh được hao mòn theo thời gian, còn tranh truyền thống thì không.
Đây là ưu – nhược điểm, là đặc trưng của từng loại hình tranh, và hoàn toàn không có một tiêu chuẩn nào để xem đó là yếu tố quyết định tính nghệ thuật.
Cần phải hiểu để đánh giá đúng giá trị của tranh Digital Painting trong thời đại mới.
Digital Painting là hình thức sáng tác mới, xuất hiện dựa trên nhu cầu tất yếu của thời đại. Hoạ sĩ vẽ digital phải trải qua một quá trình rèn luyện, tư duy, sáng tạo để hình thành nên tác phẩm. Công sức ấy cần được nhìn nhận công tâm và đúng đắn, bởi nghệ thuật không đến từ một tấm khung tranh, nghệ thuật đến từ chiều sâu trong tâm hồn tác giả.
Ban nội dung D-Open